Sự ám ảnh miên viễn của nỗi mất mát?
-Chuyện của người nhưng ám ảnh tôi-
Có những chuyện người kể đã quên nhưng người nghe còn nhớ mãi.
Và hẳn tớ là người nghe có tâm nhất hệ mặt trời, vì luôn gom nhặt câu chuyện một cách nhiệt tình, đem về suy nghĩ và thản nhiên cất vào nơi nào đó trong trái tim. Người ta hay bảo nghe là một kỹ năng, vậy chắc tớ được ban tặng kỹ năng đó ngay từ lúc chào đời.
Đó là điểm mạnh hay một kiểu ngược đãi hồn nhiên khó buông bỏ, tớ không rõ. Bởi bản thân tớ vẫn chưa rèn được khả năng chắc lọc những chuyện cần giữ và nên quên. Tớ cứ ôm khư khư tất cả vui, buồn, kể cả chuyện nhảm nhí của mình, của người trong kí ức một cách nặng nề. Như cách tớ hay “tha” sách về chất chật bưng trong ngăn tủ nhưng có nhiều cuốn chưa đủ hào hứng để mở ra đọc. Hẳn lòng tớ phải nâng cấp dung lượng lưu trữ lên mức vô hạn bằng cách chép dữ liệu qua thẻ hay trên đám mây thì mới đủ.
Chuyện của người ta sao mình nhớ dai đến thế?
Nguyễn Nhật Ánh viết: “Vũ trụ này đôi lúc thật kỳ lạ, khi mình cố trốn tránh một ký ức, một con người để rồi lại bắt gặp từng mảnh của ký ức ấy, lác đác, vương vãi ở mọi nơi mình bước qua”.
Hẳn cuộc đời mình quá may mắn, êm đềm và ít trắc trở nên cuốn nhật ký đời cứ trống trơn, nhạt nhạt. Và tớ bất giác mượn chuyện của họ vào mà vớt vát để thấy “ôi đời mình cũng phong phú phết”. Lươn lẹo!
“Đời về cơ bản là buồn” – Lê Bích từng trình làng cuốn sách với tựa đề như thế, hẳn vậy mà người kể chuyện vui với tớ thì ít mà chuyện buồn thì bao la, đếm không xuể. Hay tớ thuộc tiếp người dễ chia sẻ những vết thương lòng, nỗi ám ảnh trong cuộc đời họ nhỉ? Chẳng ai đem chuyện đi kể cho người không đủ bi ai, thấu cảm.
Cái kiểu viết lòng vòng của tớ mãi vẫn như bản năng, để rồi ba đoạn trôi qua mà vẫn chưa đề cập được câu chuyện muốn kể. Cung đường vào nhà tớ thường dài điểm xung quanh với toàn hoa thơm, trái lạ và chim hót. Một sự biện hộ hơi văn chương tớ tự hòa giải cho sự yếu kém của chính mình.
Tớ nhận ra nỗi buồn không tự mất đi mà chuyển từ người này sang người khác ấy nhỉ. Nhiều lúc cảm giác nỗi ám ảnh một khi đã rời họ là tự khắc ghé đến trú ngụ lặng lẽ trong căn nhà của mình. Nhưng cũng tại mình đã nghiễm nhiên cho phép điều đó. Chị cậu – bệnh ung thư – thiếu thốn tiền và sự bất lực. Những từ khóa mà chỉ cần nghĩ đến một trong số đó là câu chuyện lại “ùa về” vẹn nguyên như cái hôm tớ ngồi lẳng lặng nghe. Hẳn đó là câu chuyện thầm kín của cậu, không được nhiều người biết, tớ nghĩ thế. Cậu kể lúc chị cậu bị bệnh viện trả về vì hết tiền đóng viện phí, cô gái ấy đau đến mức khóc lóc van xin. Đỉnh điểm là cô đưa tay chỉ vào lốc nước người thân đem cho mà bảo “mẹ lấy nước đem bán mà chữa bệnh cho con”. Cậu biết không, ngay giây phút nghe được lời kể đó lòng tớ đã nhói liên hồi. Và hẳn không chỉ riêng tớ cảm thấy thế. Câu nói hồn nhiên, phi lý ấy chứa bao nỗi niềm, khao khát trong tuyệt vọng. Ai cũng ghét nghèo, điều đó là đương nhiên. Và tớ biết với cậu nó càng nhân lên lũy thừa lần. Bởi không gì đau lòng hơn khi nhìn người thân mình ra đi chỉ vì thiếu tiền. Hẳn đó là lý do cậu luôn nỗ lực mỗi ngày, mỗi giờ. Mục tiêu không bị cái nghèo đeo bám luôn luôn được xếp hàng đầu trong cuộc đời của cậu.
Tớ tự hỏi, bây giờ cậu ổn không, cái ám ảnh ở quá khứ xa xôi kia đã vơi đi ít nhiều chưa khi trước mắt cậu thành công đã thật gần. Tớ hi vọng cuộc sống đủ đầy, không bận lòng về tài chính sẽ giúp cậu sống vui vẻ và hạnh phúc từ nay cho đến mãi về sau.
Giờ đây, tớ muốn trả nỗi ám ảnh này vào hư không, thôi nhắc nhớ về chị cậu và hơn hết là những gì liên quan đến cậu. Bởi tớ và cậu đã không còn chung con đường, không còn góp chung một hộp kí ức nơi chất chứa câu chuyện của hai đứa. Tớ trả lại những gì thuộc về cậu cho cậu để vùng trời kí ức của tớ được rảnh rang và đón nhận điều mới mẻ hơn phía trước.
Mong người kế cạnh cậu sẽ đủ bao dung, đủ lòng trắc ẩn để thấu cảm và ôm ấp trái tim nhiều tổn thương ấy. Và hơn hết có thể khơi dậy tình yêu, lắp đầy bằng niềm hạnh phúc mới.